
HỘI THẢO KHOA HỌC “ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VẬN TẢI THUỶ NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”
Sáng ngày 28/5/2025, tại trường Đại học Quốc Tế – ĐHQG TP.HCM, hội thảo khoa học với chủ đề “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã diễn ra thành công với sự tham dự của hơn 70 đại biểu đến từ các sở ban ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên và sinh viên quan tâm đến lĩnh vực logistics và giao thông vận tải.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự góp mặt của hơn 70 đại biểu, trong đó bao gồm đại diện nhiều Sở ban ngành và doanh nghiệp chủ chốt tại tỉnh Long An và lân cận: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Giám định Chất lượng Xây dựng – Sở Xây dựng tỉnh Long An, Cảng Quốc Tế Long An, Công ty Tây Nam, Cảng vụ, Công ty TNHH GFS Việt Nam, Công ty CP ITL Freight Management, Công ty logistics U&I,…
Hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An đặt hàng mà trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM là đơn vị chủ trì. Đề tài được UBND tỉnh Long An phê duyệt theo Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 1/7/2024 và triển khai trong thời gian 12 tháng.
PGS. TS. Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp – Trường Đại học Quốc Tế – ĐHQG TP.HCM – đại diện BTC Hội thảo phát biểu khai mạc.
Tại hội thảo, ba báo cáo chuyên môn lần lượt được trình bày bởi các thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu, làm rõ các khía cạnh chính yếu trong phát triển vận tải thủy nội địa của tỉnh Long An. Báo cáo đầu tiên với phần trình bày của PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa – Chủ nhiệm đề tài – trình bày đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phương thức vận tải có tải trọng lớn, ít phát thải ra môi trường, phù hợp với định hướng xanh và bền vững của Chính phủ và quốc tế. Trên cơ sở phân tích sâu ý kiến chuyên gia và thực trạng những điểm mạnh – điểm yếu – cơ hội – thách thức của vận tải thủy tại Long An, nhóm nghiên cứu đề xuất lộ trình triển khai theo hai giai đoạn chiến lược: 2025–2030 và 2030–2050, với trọng tâm là phát triển đồng bộ hạ tầng, tăng tính kết nối vùng, thúc đẩy chuyển đổi số, và hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng bền vững và hội nhập.
Giai đoạn 2025–2030 tập trung giải quyết các thách thức hiện hữu bằng những nhóm giải pháp ưu tiên. Có thể kể đến các biện pháp như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với yêu cầu liên kết vùng,; tăng cường kết nối giữa nhà vận tải và chủ hàng trong chuỗi dịch vụ logistics,; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý luồng tuyến, điều hành cảng, e-port; và huy động đa dạng nguồn lực như ngân sách trung ương – địa phương, vốn ODA, mô hình PPP, cùng sự đồng hành từ doanh nghiệp và tổ chức quốc tế như WB, GIZ, UNDP,… Đặc biệt, trong bối cảnh Long An đang được xem xét trong phương án sáp nhập tỉnh, việc quy hoạch hạ tầng vận tải thủy nội địa cần gắn chặt với điều phối vùng, không gian công nghiệp và năng lực xuất nhập khẩu ngày càng mở rộng. Tỉnh Long An hiện có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, với 1.762 dự án, trong đó có 849 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 5,6 tỷ USD – tiêu biểu là các dự án lớn như Coca-Cola Việt Nam (136 triệu USD), ECPVN Logistics (34 triệu USD) và Khu phức hợp công nghệ cao Thái Tuấn (trên 20.000 tỷ đồng). Trong đó, 80% lượng container xuất khẩu của Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ, với chi phí cao hơn 10–60% so với vận tải thủy – cho thấy dư địa lớn để chuyển dịch phương thức vận tải, giảm chi phí logistics và áp lực lên hạ tầng đường bộ.
Giai đoạn 2030–2050 cũng được xem là giai đoạn củng cố và phát triển bền vững, với các giải pháp trọng tâm bao gồm: áp dụng mô hình quản lý hiện đại định hướng liên kết vùng; tăng cường liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thủy trong chuỗi logistics; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý nhà nước về vận tải thủy; và triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường – xã hội. Nguồn lực cần thiết trong giai đoạn này bao gồm sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, tổ chức điều phối logistics, cơ quan lập pháp – hành chính, doanh nghiệp ngành công nghệ và các tổ chức quốc tế tài trợ kỹ thuật, tài chính hoặc môi trường. Mục tiêu xuyên suốt là xây dựng hệ thống vận tải thủy nội địa xanh – thông minh – kết nối, có năng lực thích ứng cao và đóng góp thực chất vào tăng trưởng bền vững của Long An và vùng ĐBSCL.
PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa – chủ nhiệm đề tài – trình bày báo cáo tại hội thảo.
Báo cáo thứ hai, do NCS. ThS. Nguyễn Thắng Lợi (từ đơn vị phối hợp: Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam) trình bày, sử dụng phương pháp hồi quy chuẩn hóa trên dữ liệu khảo sát 150 doanh nghiệp để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển vận tải thủy. Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố có tác động lớn gồm: định hướng chiến lược, năng lực đầu tư – hạ tầng, hiệu quả tuyến luồng, mức độ ứng dụng công nghệ số và yếu tố môi trường. Những phát hiện này giúp làm rõ cơ sở thực tiễn cho các dự báo và chính sách phát triển phù hợp trong tương lai.
Báo cáo cuối cùng được TS. Nguyễn Hằng Giang Anh trình bày tập trung dự báo nhu cầu vận tải thủy đến năm 2030 và 2050. Báo cáo nhấn mạnh tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu hiện nay, với nhu cầu cần bổ sung ít nhất 2.500 nhân lực vào năm 2030. Đồng thời, dự báo giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và bán lẻ sẽ tăng đều, kéo theo tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 24 triệu tấn vào năm 2030 và gần 31 triệu tấn vào năm 2050. Trong bối cảnh Long An sáp nhập tỉnh với Tây Ninh và gia tăng sản lượng hàng rời là nông sản từ các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, báo cáo đề xuất phát triển trung tâm logistics tại Long An theo mô hình hub-and-spoke, nhằm tối ưu khả năng kết nối vùng. Mục tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ vận chuyển container bằng đường thủy từ dưới 5% hiện tại lên 15–20% vào năm 2030. Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố mới có thể tác động mạnh đến hệ thống vận tải thủy trong tương lai như: chuyển đổi năng lượng, số hóa, tự động hóa, vận tải đa phương thức và thích ứng biến đổi khí hậu – hướng đến một hệ thống xanh – thông minh – kết nối.
Bên cạnh các phần trình bày chuyên môn, hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thực tiễn và sâu sắc từ đại diện các sở ban ngành, doanh nghiệp và chuyên gia trong phiên trao đổi. Cụ thể, NCS. ThS. Du Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm Giám định Chất lượng Xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Long An) – và ông Nguyễn Hoài Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An – đã chia sẻ những nhận định từ góc độ quản lý nhà nước về yêu cầu nâng cao tính liên thông trong quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là kết nối giữa giao thông thủy và phát triển đô thị.
Từ phía doanh nghiệp, bà Ngô Thị Thanh Vy – Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An – nhấn mạnh tiềm năng khai thác cảng thủy và vai trò trung tâm logistics của tỉnh trong chuỗi cung ứng vùng. Ông Võ Đình Sang – Giám đốc Công ty Vận tải Thủy Tây Nam và ông Mai Hồng Lực – Trưởng phòng của công ty thép Tây Nam đã chia sẻ thẳng thắn về nhu cầu điều chỉnh cơ chế giá, đầu tư đội tàu, và những rào cản khiến vận tải thủy chưa thực sự hấp dẫn với doanh nghiệp chủ hàng. Ngoài các doanh nghiệp tại Long An, đại diện một số doanh nghiệp logistics và vận tải tại TP. Hồ Chí Minh cũng tham dự hội thảo và chia sẻ ý kiến trao đổi với nhóm nghiên cứu: Công ty TNHH GFS Global Freight Services Việt Nam, Công ty cổ phần Logistics U&I, Công ty cổ phần ITL FREIGHT MANAGEMENT…
Ngoài ra, nhiều câu hỏi, phản hồi và trao đổi từ các doanh nghiệp, sinh viên, nghiên cứu viên tham dự trực tiếp cũng đã được các diễn giả giải đáp nhiệt tình, góp phần tạo nên không khí học thuật cởi mở và gắn kết giữa các thế hệ làm nghiên cứu – ứng dụng trong lĩnh vực logistics và vận tải.
ThS. Du Quang Vinh – Giám đốc Trung tâm Giám định Chất lượng Xây dựng, đại diện đơn vị phối hợp đóng góp ý kiến cho kết quả nghiên cứu dự án – Bà Ngô Thị Thanh Vy – Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty Cổ phần Quản lý và Khai thác Cảng quốc tế Long An – cùng chia sẻ góc nhìn doanh nghiệp và đặt câu hỏi tại hội thảo.
Sinh viên ngành Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng – trường Đại học Quốc Tế – ĐHQG TP.HCM đặt câu hỏi cho các báo cáo viên.
Trong quá trình chuẩn bị và thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện từ phía Nhà trường và các cơ quan địa phương.
Hội thảo không chỉ là dịp để trình bày kết quả, mà còn là cơ hội quý báu để nhóm nghiên cứu tiếp nhận những góp ý thiết thực từ các bên liên quan nhằm hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu, đóng góp vào việc xây dựng chiến lược phát triển vận tải thủy nội địa của tỉnh Long An theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững, phù hợp với định hướng phát triển quốc gia, đặc biệt là theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.