NHÓM SCAPEX ĐẠI DIỆN VIỆT NAM TỎA SÁNG VÒNG CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG NĂM 2025
Vừa qua, đội thi SCApex, gồm các bạn sinh viên Nguyễn Phạm Quý Dương, Lê Trúc Anh, Lâm Nhật Huy, Trần Bình Phương Huyền, và Nguyễn Ngọc Khánh Trâm – là các sinh viên năm 3 và năm 4 Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp trường Đại học Quốc tế, đã đạt được những thành tích vô cùng ấn tượng tại cuộc thi SESC 2024. SCApex đã đạt giải Nhất phần thi Hùng biện, Giải Ba phần thi ERPsim Game cuộc thi ERPsim vòng quốc gia, và vinh dự trở thành 1 trong 4 đội thi đại diện Việt Nam ở vòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Ban Truyền thông trường ĐH Quốc tế (ĐHQT) đã có cuộc trò chuyện với 5 chàng trai cô gái của Khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp.
Nhóm SCAPex gồm 5 sinh viên của Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp
BTT: Vì sao các bạn lại lập đội?
SCApex: Năm trước, trường mình cũng đã tham gia thi có kết quả cao nên năm này, Quý Dương đã chủ động tìm kiếm các bạn cùng chí hướng, lập nhóm và cuối cùng là quyết tâm đăng ký thi. Quá trình gom thành viên này không vất vả như ban đầu Dương tưởng tượng mà khá dễ dàng vì các bạn sinh viên năm 3 của nhóm tuy nhỏ hơn nhưng năng lực rất tốt. Không chỉ vậy đa số các bạn đều có kinh nghiệm thi cử nhiều, tham gia ít nhất vài cuộc thi trước đó nên thật sự lập nhóm nhiều thuận lợi.
BTT: Vậy những thuận lợi đó là gì?
SCApex: Nhóm nghĩ điều thuận lợi giúp cho SCApex đạt được kết quả cao như vậy, đầu tiên chính là nhờ có những kiến thức đã học được từ các thầy cô của trường ĐHQT, khoa Kỹ thuật và Quản lý công nghiệp trong những năm qua. Những kiến thức chuyên ngành khi nhóm áp dụng vào thực tế đã giúp nhóm hình dung được mọi thứ diễn ra như thế nào và nhờ những kiến thức nền tảng đó đã cho các thành viên có những thông tin cơ bản để có thể phát triển chiến lược của nhóm trong lúc thi. Thứ hai, phải kể đến thuận lợi của 5 thành viên khi nhóm sinh viên năm 3 của SCApex đã vài lần cùng nhau thi chung một số cuộc thi trước đó nên cũng hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của nhau, và đặc biệt nhóm có Quý Dương là sinh viên năm 4 vừa có năng lực dẫn dắt và còn có khả năng chuyên môn tốt. Đặc biệt, nhóm rất vinh dự khi được thầy Trần Đức Vỹ, là giảng viên của khoa IEM, hỗ trợ trong suốt quá trình đi thi.
BTT: Bên cạnh thuận lợi thì nhóm có khó khăn gì không?
SCApex: Mặc dù có vài trục trặc nho nhỏ nhưng nhìn chung nhóm thấy mọi việc khá suôn sẻ. Điểm quan trọng nhất mọi người đều hiểu ý nhau, luôn chia sẻ, đồng hành với nhau, hỗ trợ nhau trong công việc.
Khó khăn nhất của nhóm chính là chưa từng có kinh nghiệm tham gia cuộc thi này bao giờ. Hoàn toàn rất mới với cả nhóm nên lúc đầu cũng bỡ ngỡ vì chưa biết nên làm gì. May mắn, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ của thầy cô và các anh chị đi trước…
Một trong những khó khăc khác của nhóm đó là quá trình lập chiến lược, vất vả nhất là trong thời gian đầu. Ngoài ra, trong quá trình thi, 5 thành viên cũng khó không xảy ra một số bất đồng tại vì thị trường thay đổi biến động liên tục nên các thành viên cần phải thay đổi chiến lược gấp gáp. Thay đổi thì dẫn đến mỗi người mỗi ý. Nhưng may mắn là cuối cùng tụi em cũng đã làm việc nhóm thành công khi đã thảo luận và chọn ra phương án tốt nhất.
CApex đã đạt giải Nhất phần thi Hùng biện, Giải Ba phần thi ERPsim Game cuộc thi ERPsim vòng quốc gia
BTT: Chiến thắng cuộc thi và còn được đại diện Việt Nam đi đấu ở Vòng Châu Á – Thái Bình Dương, các bạn cảm thấy thế nào?
SCApex: Nhóm cảm thấy rất vui vì dẫu đã thắng vài cuộc thi trước đó, các thành viên đều đã có những giải thưởng nhất định nhưng cuộc thi này giúp nhóm có thêm trải nghiệm thú vị trong việc lập chiến lược. Sau cuộc thi nhóm đã biết cách làm sao làm việc được giữa các phòng ban, làm sao vận hành một công ty mô phỏng trong vòng 80 ngày như thế nào.
Khi tham gia cuộc thi thì nhóm gặp một số áp lực nhất định. Thứ nhất áp lực về thời gian vì khi bắt đầu lập nhóm và chuẩn bị thi thì trùng với thời gian thi giữa kỳ cho nên các thành viên phải xoay sở mới có đủ thời gian. Tất cả thành viên đều cố gắng sắp xếp thời gian để có thể gặp nhau, gặp thầy Vỹ, chị Thư – một người chị có kinh nghiệm tham gia cuộc thi năm trước – và gặp cả các bạn đã từng thi năm trước để trao đổi, học hỏi. Lúc ấy, với ý định là tham gia để có thêm kỹ năng, kiến thức chứ không đặt nặng việc đạt giải hay không.
Tháng 4 năm 2025 nhóm sẽ đại diện Việt Nam tham gia vòng thi Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương
Và hành trình này, nhóm đã học được kỹ năng làm việc nhóm một cách chuyên nghiệp vì cuộc thi này yêu cầu mỗi người trong nhó, 5 người đóng vai 5 phòng ban khác nhau, 5 vị trí khác nhau trong một công ty. Mỗi người phải làm việc chung với những thành viên còn lại để có thể đưa ra những quyết định cuối cùng cho công ty, giúp công ty đạt được kế hoạch, nhận được giá trị lợi nhuận cao nhất. Điều thứ hai mà nhóm học được là các kỹ năng đọc số liệu và phân tích dữ liệu để có thể đưa ra những quyết định đúng cho công ty.
Niềm vui không chỉ dừng lại ở việc đạt giải cao mà nhóm còn có cơ hội đại diện Việt Nam để tham gia cuộc thi vòng Quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 4 năm tới. Hy vọng nhóm sẽ đạt được thành tích cao trong năm 2025.
Cuộc thi SAP ERPsim Student Competition (SESC) 2024 là sân chơi quy mô quốc tế do ERPsim Lab – HEC Montréal (Canada) tổ chức, hướng đến sinh viên đam mê quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số. Vòng chung kết cuộc thi SAP ERPsim Student Competition 2024 – Vietnam do trường ĐH Kinh tế – Luật phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Business Intelligence (BI-LAB) tổ chức, đã trở thành sân chơi lý tưởng cho sinh viên từ các trường đại học thuộc liên minh SAP University Alliances. Năm nay, cuộc thi có sự tham gia của 7 đội thi xuất sắc đại diện cho các trường Đại học Duy Tân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM), Trường Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG-HCM), và Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Bước sang năm thứ 16, cuộc thi tạo điều kiện để các đội thi trải nghiệm thực tế việc vận hành doanh nghiệp qua phần mềm SAP S/4HANA, tập trung vào các kịch bản sản xuất và quản lý bền vững. Các đội thi tham gia phải lập kế hoạch, quản lý chuỗi cung ứng, đồng thời tối ưu hóa hoạt động để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Không chỉ là thử thách về kỹ năng quản trị, cuộc thi còn góp phần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và tạo cơ hội giao lưu học hỏi quốc tế. |