CHUNG KẾT VIỆT NAM CUỘC THI  THỬ THÁCH NHÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRẺ 2021

CHUNG KẾT VIỆT NAM CUỘC THI THỬ THÁCH NHÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRẺ 2021

Sáng 15/3/2022, trường Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQT) phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia) tổ chức vòng Bán kết (Chung kết Việt Nam) cuộc thi Thử thách Nhà bảo vệ Môi trường Trẻ lần thứ III (trước đây là Sáng kiến Bảo vệ Hành tinh Xanh) dành cho các bạn học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam sau hơn 04 tháng phát động. Cuộc thi năm nay được mở rộng quy mô quốc tế, có thêm 02 quốc gia cùng tổ chức triển khai là Sri Lanka và Malaysia.

Sau 02 lần tổ chức thành công và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các trường THPT từ Ban Giám hiệu, Thầy cô giáo đến các bạn học sinh, phụ huynh… Năm nay, trường Đại học Quốc Tế – Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQT) tiếp tục phối hợp cùng Đại học Deakin (Australia) tổ chức cuộc thi lần thứ 03 với tên gọi mới Thử thách Nhà Bảo vệ Môi trường Trẻ 2021 (YEC).

Kết thúc Vòng 1, BTC nhận được 25 bài thi là 25 video clip từ 18 trường THPT trên toàn quốc. Các video clip có độ dài 10 – 15 phút với độ phân giải tối thiểu là FullHD (1080p) trình bày vấn đề môi trường và ý tưởng của đội mình. Ngôn ngữ sử dụng trong video hoàn toàn bằng tiếng Anh. BGK đã chấm và chọn ra 07 đội xuất sắc nhất và 01 đội được yêu thích nhất vào vòng Bán kết (Chung kết Việt Nam). Và trong hơn 01 tháng qua 08 đội đã được làm việc với các mentor là giảng viên của Đại học Deakin (Úc) để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cũng như ý tưởng của nhóm.

PGS. TS. Nguyễn Phương Thảo – Trưởng Phòng Quan hệ Đối ngoại trường ĐHQT – Phát biểu khai mạc vòng Bán kết Thử thách Nhà bảo vệ môi trường trẻ 2021. 

Vòng Bán kết (Chung kết Việt Nam) được diễn ra với 08 đội có số điểm cao nhất ở vòng 01. Các đội tham gia vào Discussion Board cùng với những người hướng dẫn đến từ Đại học Deakin để mỗi đội có thể cùng nhau học hỏi, hoàn thiện sản phẩm mẫu hoặc ý tưởng… Mỗi đội đã thuyết trình trực tiếp trong khoảng thời gian 15-20 phút05 phút vấn đáp cùng Ban giám khảo là giảng viên của trường ĐHQT, Đại học Deakin và đại diện các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong số 08 đội bước vào vòng Bán kết (chung kết Việt Nam) YEC 2021, đội Beautiful Planeteers (trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) – đang dẫn đầu về độ yêu thích trên mạng xã hội của cuộc thi với 04 thành viên Lê Minh Dương, Trần Ngọc Tuyền, Hoàng Kiều Oanh, Nguyễn Đình Bảo Quang. Mang những trăn trở về phân bón, nhóm Beautiful Planeteers đến từ trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh, đã nghĩ ra phương pháp kết hợp bồ hòn, sơ dừa, chất thải hữu cơ từ quá trình sản xuất sữa và nấm Trichoderma để tạo ra một loại phân bón hữu cơ vi sinh an toàn và thân thiện với môi trường, giá thành hợp lí, giúp người dân bắt đầu có những sự thay đổi nhất định trong thói quen sử dụng phân bón hóa học một cách bừa bãi, hạn chế những ảnh hưởng của phân bón hóa học đến sức khỏe con người, tạo ra một hướng đi mới trong quy trình xử lý chất thải của các công ty sản xuất sữa và hướng đến một tương lai sử dụng đất nông nghiệp một cách bền vững.

Kết quả chung cuộc, Eco Fighters (trường THPT Nguyễn Hữu Huân) với 3 thành viên Nguyễn Thành Khang Bảo, Trần Huỳnh Thảo Vân, Nguyễn Thụy Ngọc Thanh đã giành giải Nhất. Bạn Ngọc Thanh đại diện nhóm chia sẻ: “Tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng. Ước tính chỉ trong năm 2015, nước ta thải ra hơn 05 triệu tấn nhựa ra môi trường. Bên cạnh đó, bình quân rác thải nhựa đầu người tăng đột biến từ 3.8kg (năm 1990) đến 41.3kg (năm 2018). Trong đó, các vật dụng nhựa có kích thước nhỏ sử dụng hàng ngày như bàn chải lại thường bị lãng quên nhất. Đặc biệt, những nơi như nhà nghỉ, khách sạn, resort,thường cung cấp bàn chải nhựa một lần cho khách du lịch, do đó gây nên một lượng rác thải nhựa khổng lồ từ bàn chải. Xuất phát từ thực trạng đó, nhóm ECF mong muốn tạo ra một bàn chải thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh theo mô hình 4R: refuse (từ chối) – hợp tác với khách sạn, reduce (giảm thiểu), reuse (tái sử dụng) – tận dụng tối đa chức năng bàn chải, recycle (tái chế) – “hồi sinh” thành phân bón. Bàn chải có cấu tạo hoàn toàn từ thiên nhiên với phần đầu có thể tháo rời theo cơ chế đóng-mở nắp bút, giúp tiết kiệm phần thân còn lại mỗi khi tới kỳ thay lông chải.” Chiếc bàn chải 3B – Bodhi Bamboo Brush đã giúp đội giành chiến thắng vì đã giải quyết một lúc 3 vấn đề, rác thải nhựa, khả năng chi trả và tiếp cận sản phẩm xanh cho sản phẩm xanh của người tiêu dùng.

TS. Trần Thanh Tú – Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Môi trường trường ĐHQT và TS. Nguyễn Thị Thuỷ – lên sân khấu trao giải nhất cho đội Eco Fighters đến từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân.

Với chiếc thùng rác thông minh, 4 bạn Liêu Gia Hưng, Vũ Tịnh Khuê, Trần Nam Anh, Lư Lữ Linh của nhóm VBIN (trường Trung học Thực hành ĐHSP) đã xuất sắc giành giải Nhì. Các bạn chia sẻ: “Thức ăn thừa – một vấn đề tưởng chừng nhỏ bé thế nhưng lại tiềm tàng vô số bất cập về cách giải quyết và những hậu quả khôn lường tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh chúng ta. Chúng gây nên 8% lượng khí thải toàn cầu. Và nếu là một quốc gia xả khí thải với liều lượng như trên thì nó sẽ đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Rác hữu cơ gây ra vô số năng lượng, tài nguyên đất nước bị lãng phí, đồng thời thải ra CO2, CH4 khi bị thối rửa, bị hư. Nếu chúng ta không xử lý đúng cách thì lượng rác thải hữu cơ có thể gây nên các vấn đề vệ sinh trầm trọng. Nguồn nước rỉ ra từ rác thải hữu cơ có thể thấm ngược vào nguồn nước ngầm, nguồn đất và chính người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Vậy nên nhóm hướng tới tạo ra một thùng rác giúp xử lý rác hữu cơ bằng cách sử dụng các con dòi ruồi lính đen. Dòi ruồi lính đen có thể tiêu thụ các rác thải trong gia đình đồng thời tạo ra nguồn phân tốt cho cây. Nhóm đang muốn hướng tới một thùng rác thân thiện, dễ sử dụng, tự động hóa việc nuôi dòi mà không tốn quá nhiều công sức. Qua đó, chúng ta vừa có thể tận dụng lượng rác thải hữu cơ bỏ đi đồng thời tạo nên một nguồn phân bón giúp tăng năng suất cây trồng.”

TS. Trần Thanh Tú – Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Môi trường trường ĐHQT – lên sân khấu trao giải nhì cho đội VBIN đến từ trường TH Thực Hành ĐHSP TP.HCM.

Một đội nữa cũng tới từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM) Banana Split với 4 bạn trẻ Đặng Thái Bình, Đỗ Khánh Ngọc, Nguyễn Hồng Trân, Nguyễn Minh Thông, Trà Quang Minh đã chiến thắng giành chiếc vé thứ ba vào vòng chung kết quốc tế diễn ra vào tháng 4/2022. Nhóm đã nghiên cứu về tã giấy và chia sẻ rằng: “Số lượng rác thải tã giấy bị chôn vùi dưới lòng đất không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân vệ sinh môi trường mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí. Vì không thể ngừng hoặc hạn chế sử dụng tã nên giải pháp của nhóm Banana Splitmang đến là một sản phẩm thân thiện với môi trường hơn: “Banana fiber diaper”. Sản phẩm được làm hoàn toàn bởi sợi chuối tự nhiên và thành phần hút ẩm thân thiện hơn với môi trường, có thể phân huỷ nhanh hơn tã giấy thông thường trên thị trường. Ngoài ra, sản phẩm còn tận dụng được phần thân cây chuối mà sau khi thu hoạch đa số bị bỏ đi hoặc xử lí. Đầu tiên sau khi thu hoạch thân cây chuối được cuộn nhẹ lại để bỏ độ ẩm và sau đó làm sạch, làm khô. Những phần này sau tiếp tục qua quá trình cán mỏng và cắt nhỏ cho quá trình kéo sợi. Sau khi kéo sợi, dệt được thực hiện trong khung dệt theo quy trình bình thường. Phần hút ẩm bên trong tã sẽ được thay bằng một chất liệu mới là potassium polyacrylate, vừa có thể hút ẩm tốt lại vừa thân thiện với môi trường khi phân huỷ, nhóm tin nếu sản phẩm này được thực hiện thành công và sử dụng, có thể giảm nhẹ được phần lớn rác thải sinh hoạt nhựa cho môi trường, đây cũng là mục tiêu lớn nhất của nhóm Banana Split.

TS. Nguyễn Thị Thuỷ – Phó Trưởng bộ môn Kỹ thuật Môi trường lên sân khấu trao giải ba cho đội Banana Splits đến từ trường THPT Nguyễn Hữu Huân.

Hai đội giành giải khuyến khích là YoungG của trường THPT Chuyên Vị Thanh (Hậu Giang) và Beautiful Planneteers của trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai).

TS. Trần Thanh Tú – Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Môi trường trường ĐHQT và ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Trưởng Ban truyền thông trường ĐHQT lên sân khấu trao giải khuyến khích cho đội YoungG và đội Beautiful Planeteers.

Các vấn đề liên quan đến môi trường như ô nhiễm nước, đất, không khí và chất thải vẫn luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Việc tiếp tục tổ chức cuộc thi “Thử thách Nhà bảo vệ môi trường trẻ” dành cho học sinh trung học phổ thông tại Việt Nam, Sri Lanka, và Malaysia cũng một lần nữa khẳng định sự tập trung, chung tay cùng giải quyết cho các vấn đề Xanh của các trường Đại học Deakin (Úc), Viện Hoàng Gia Colombo (Sri Lanka), Đại học Tenologi PETRONAS (Malaysia) và trường Đại học Quốc Tế (ĐHQG-HCM, Việt Nam). Không chỉ tạo sân chơi cho học sinh củng cố kiến thức về môi trường, thể hiện khả năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, mà cuộc thi “Thử thách Nhà bảo vệ môi trường trẻ” còn giúp truyền cảm hứng, nâng cao ý thức của các bạn trẻ và đưa ra các giải pháp hữu ích thiết thực trong việc bảo vệ môi trường. Sau khi đăng ký, các đội còn được tham gia các workshop hướng dẫn kỹ năng như chỉnh sửa videoclip, cách thực hiện câu hỏi cho mục đích nghiên cứu, …