MIẾNG DÁN VI KIM TRÁNH THAI GIÀNH CHIẾN THẮNG CUỘC THI BME INNOVATION 2023
Sáng ngày 03/6/2023, đội TENSCAPE với ý tưởng “Miếng dán vi kim tránh thai” đã chiến thắng cuộc thi BME Innovation Competition 2023. Cuộc thi BME Innovation Competition 2023 do Khoa Kỹ thuật Y Sinh trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức với chủ đề “Hướng tới các giải pháp đổi mới trong y sinh học”.
Sau hơn 3 tháng diễn ra với sự cạnh tranh khốc liệt của 160 thí sinh với 54 đề tài đến từ 06 trường Đại học và 06 Trung học phổ thông khác nhau trên khắp địa bàn khu vực TP.HCM, cuộc thi BME Innovation 2023 đã thành công chọn ra 16 đề tài xuất sắc nhất, tương ứng với 16 đội/cá nhân tham gia vòng Chung kết.
Tại vòng Chung kết, mỗi cá nhân, đội nhóm có 5 phút để thuyết trình trước BGK cùng với sản phẩm demo của mình. BGK có 5 phút để nhận xét từng phần trình bày và đặt câu hỏi cho các đội thi. Ngoài ra, các cá nhân, đội tham gia cũng sẽ có quyền đặt câu hỏi cho đội trình bày. Điểm các phần thi được tính dựa trên trung bình cộng từ số điểm mà Hội đồng BGK dựa trên đánh giá về phần thể hiện của cá nhân, đội tham gia. Điểm chung cuộc sẽ được xếp từ cao đến thấp để chọn ra chủ nhân cho các giải thưởng của Cuộc thi. Trong quá trình dự thi, các đội, cá nhân được yêu cầu trình bày rõ ràng, đảm bảo chất lượng cho phần trình bày của mình.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TS. Lê Văn Cảnh – Phó Hiệu trưởng trường ĐHQT – ghi nhận những kết quả đáng khích lệ từ Khoa Kỹ thuật Y Sinh: “Trường ĐHQT ngoài nhiệm vụ, sứ mệnh nghiên cứu khoa học, còn có trọng tâm là phát triển nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo ở cấp độ giảng viên và các em sinh viên, học sinh. Qua những năm tổ chức, nhà trường đã có những kỳ thi về đổi mới sáng tạo và cũng có nhiều kết quả được khẳng định ở cấp độ thành phố, quốc gia và ngay cả quốc tế. Trong quá trình phát triển đó có sự đóng góp to lớn của các thầy cô và các em sinh viên của Khoa Kỹ thuật Y Sinh. Đặc biệt từ năm 2022 đã có sự tham gia của các em học sinh của các trường THPT trong cuộc thi đổi mới sáng tạo về Kỹ thuật Y Sinh nhằm đưa ra những ý tưởng về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thiết bị y tế mới,… Đây đều là những đóng góp to lớn của Khoa Kỹ thuật Y Sinh.”
GS.TS. Lê Văn Cảnh – Phó Hiệu trưởng trường ĐHQT – ghi nhận những kết quả đáng khích lệ từ Khoa Kỹ thuật Y Sinh nói chung và cuộc thi BME Innovation Competition 2023 nói riêng.
GS.TS. Lê Văn Cảnh cũng đồng thời thể hiện sự tri ân trân trọng đến các nhà tài trợ và mong muốn khai thác thế mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong tương lai. Cuộc thi BME Innovation Competition năm nay có sự đồng hành của 2 nhà tài trợ lớn là MERCK LIFE SCIENCE VIETNAM và CÔNG TY TNHH Y TẾ VIỆT TIẾN – VT HEALTHCARE cùng sự hỗ trợ từ Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công Nghệ và Khoa Kinh tế – Tài chính – Kế toán của trường ĐHQT.
GS.TS. Lê Văn Cảnh trao thư cảm ơn và kỷ niệm chương của chương trình đến với các nhà tài trợ.
Trước khi cuộc thi chính thức bắt đầu, PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng Khoa Kỹ thuật Y Sinh, đồng thời là Trưởng Ban tổ chức BME Innovation Competition 2023 – đã gửi gắm đến 16 đội thi và cá nhân tham gia: “Chúng ta có một sân chơi công bằng cho tất cả các đội thi, không phân biệt các bạn đến từ trường đại học hay từ bất kỳ trường THPT nào. Hôm nay đại diện Ban tổ chức đã chọn ra 5 thành viên có kinh nghiệm dày dặn trong các cuộc thi và từ nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá 1 cách công bằng nhất cho các đội thi. Vậy nên các em hãy thể hiện hết mình và dù thắng hay không, đây cũng sẽ là thành công của riêng các em”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trưởng Ban tổ chức BME Innovation Competition 2023 – gửi gắm đôi lời khích lệ đến 16 đội thi và cá nhân.
Cuộc tranh tài đã diễn ra vô cùng cam go trong hơn 5 tiếng đồng hồ cùng nhiều phần thuyết trình ấn tượng và phản biện xuất sắc. Kết quả, TENSCAPE với ý tưởng “Miếng dán vi kim tránh thai” đã giành chiến thắng chung cuộc. Miếng dán vi kim có tác dụng tránh thai trong khoảng 1 tháng, miếng dán vi kim sử dụng sự kết hợp giữa 2 hormone levonorgestrel và ethinyl estradiol, 2 hormone này sau khi vào cơ thể sẽ làm ngăn quá trình trứng chín gián tiếp làm cho tinh trùng không thể vào trứng và không thể xảy ra quá trình thụ tinh.
Đặc biệt, đề tài được đánh giá cao nhờ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc với mong muốn quan trọng nhất là khiến cho bất cứ ai cũng có quyền quyết định với cơ thể mình, đặc biệt là những người phụ nữ ở vùng xa hay chưa có điều kiện tiếp cận các biện pháp đắt tiền hơn.
GS.TS. Võ Văn Tới – Trợ lý Ban Giám Hiệu về Phát triển Khoa học Sức khỏe – và PGS.TS. Nguyễn Thị Hiệp trao giải Nhất cho đội TENSACAPE.
Giải Nhì thuộc về nhóm SCANOCUS với nghiên cứu “Phân loại các bệnh võng mạc dùng học sâu trên ảnh đáy mắt”. Chẩn đoán sớm và kịp thời rất quan trọng trong việc ngăn chặn suy giảm thị lực và mù lòa. Tuy nhiên việc chẩn đoán lâm sàng còn nhiều thách thức. Một số bệnh mù lòa, tiểu đường, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng do liên quan đến tuổi tác tiến triển với những triệu chứng ban đầu khó có thể nhìn thấy khiến cho việc chẩn đoán chính xác ở giai đoạn đầu rất khó khăn.
Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo đã mở ra những cơ hội mới để cái thiện quá trình chẩn đoán bệnh đáy mắt. Mô hình dựa trên mạng thần kinh để chẩn đoán các bệnh võng mạc khác nhau bằng hình ảnh đáy mắt, bao gồm 3 phần chính: giai đoạn tiền xử lý dữ liệu, bao gồm dữ liệu chuẩn hóa và nâng cao, giai đoạn thứ hai là giai đoạn mô hình hóa và giai đoạn cuối cùng là giai đoạn dự đoán. Ảnh chụp đáy mắt là một phương pháp sàng lọc hiệu quả và ít tốn kém cho các rối loạn võng mạc và để theo dõi tiến triển của bệnh.
Ông Bùi Anh Tú – Giám đốc công ty TNHH Y tế Việt Tiến , Chủ tịch hội đồng doanh nghiệp cố vấn Khoa Kỹ thuật Y sinh , Trường Đại học Quốc tế – trao giải Nhì cho đội SCANOCUS.
Giải Ba gọi tên đội BMBOT với dự án “Thiết kế và thực hiện xe tự hành cho bệnh viện”. Sản phẩm ra đời với mục đích làm giảm sự quá tải về công việc cho các nhân viên y tế trong thời điểm đại dịch truyền nhiễm, cũng như trong giai đoạn bình thường mới. Nhiệm vụ của sản phẩm sẽ bao gồm hổ trợ các công việc hậu cần như phát thuốc, vận chuyển thức ăn – nước uống, vận chuyển vật tư y tế – chất thải, khử khuẩn và lau quét như robot hút bụi, hoặc đóng vai trò như một người hổ trợ bác sĩ trong công việc cung cấp dữ liệu bệnh nhân – cập nhật thông tin – lưu trữ cuộc trò chuyện giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Bà Võ Thị Thùy Mỵ – Đại diện Solution Scientist Merck Việt Nam – trao giải Ba cho đội BMBOT.
Đặc biệt, giải thưởng mới của cuộc thi năm nay – Best Young Talent – đã thuộc về bạn Tăng Hà Duy Anh từ trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cá nhân hiếm hoi đặt chân vào vòng Chung kết. Với đề tài ấn tượng về “Ứng dụng năng lượng sóng có tần số của âm thanh trong nước làm hệ thống phục hồi vết thương cho bệnh nhân tổn thương gân”, Duy Anh đã chinh phục Ban giám khảo khi đưa ra giải pháp giúp cho bệnh nhân có một phương pháp can thiệp và điều trị hiệu quả. Đồng thời, đề tài của Duy Anh cũng thử nghiệm một phương pháp chữa lành mới giúp đẩy nhanh tiến độ hồi phục của cơ thể, ít đau đớn, tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc để bệnh nhân sớm được quay lại cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
TS. Trần Thị Ngọc Diệp – Trưởng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM – trao giải Best Young Talent cho bạn Tăng Hà Duy Anh.
Các giải Khuyến khích thuộc về các đội MeptiC, Dchip, BAD INTENTION, Biotenders cùng các giải phụ như Entrepreneurial Talent và Rising Star về tay hai đội là BeeVee và SCANOCUS.
Cuộc thi “BME Innovation (Sáng tạo KTYS)” là sân chơi hằng năm cho học sinh và sinh viên có niềm đam mê ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, được tổ chức nhằm thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học và phong trào sáng tạo của học sinh và sinh viên. Cuộc thi cũng là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đề ra những ý tưởng, giải pháp cụ thể, có chất lượng, mới mẻ, đặc biệt mang tính ứng dụng và khả thi để phát triển và kết nối với các vườn ươm khởi nghiệp. Đồng thời, đây là tiền đề lan tỏa tinh thần nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. |