TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC TẠI VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUỐC TẾ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY SINH HỌC TẠI VIỆT NAM

Trong 2 ngày 27 và 28/8, Hội nghị Khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và Giảng dạy Sinh học tại Việt Nam lần thứ 5 (BRE2022) đã được tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM)  (trường ĐHQT)

Hội nghị Khoa học về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học tại Việt Nam là diễn đàn uy tín chất lượng trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ để các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà quản lý có thể công bố thành quả các nghiên cứu mới, thảo luận tìm ra những hướng đi thích hợp cho trong bối cảnh mới. Đây được xem là cơ hội giao lưu với các công ty và doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tại Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Văn Thuận – Trưởng Khoa CNSH, Phó trưởng ban tổ chức Hội nghị – chia sẻ: “Sinh học và Công nghệ sinh học (CNSH) là một trong ba trụ cột chính của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đóng vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Tiếp nối sự thành công của Hội nghị trong những năm qua, đồng thời đứng trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, Hội nghị BRE2022 được tổ chức với kỳ vọng mang đến những thay đổi có tính đột phá về giảng dạy và nghiên cứu sinh học trong tình hình mới”.

Năm nay, Hội nghị thu hút các đại biểu là các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên nhiều trường Đại học trong cả nước cũng đưa ra các báo cáo chuyên môn như: Đào tạo giáo viên sinh học ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; Tổ chức dạy học theo định hướng STEM trong phần Sinh học vi sinh vật và virus (Sinh học 10) dựa trên mô hình 6E; Tích hợp tin sinh học trong dạy học sinh học ở trường phổ thông Việt Nam; Dạy học thực hành thí nghiệm trong chuyên đề 10.2 Công nghệ enzyme và ứng dụng…

Hội nghị lần thứ 5 thu hút gần 30 Chuyên gia đầu ngành, 20 Đơn vị và Doanh nghiệp trong lĩnh vực Sinh học tham gia.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS.TS. Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng trường ĐHQT khẳng định: “Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG HCM là trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng quốc tế đầu tiên của Việt Nam, với mục tiêu đi đầu về giáo dục và nghiên cứu trong các lĩnh vực mũi nhọn, trong đó có Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Hóa sinh, Kỹ thuật Hóa học và Khoa học Y sinh”.

PGS.TS. Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng trường ĐHQT – phát biểu khai mạc Hội nghị

Đặc biệt, hội nghị không chỉ là không gian khoa học để các nhà giáo dục, các nhà sinh học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi với nhau, cập nhật thành tựu trong và ngoài nước mà còn đưa ra những khuyến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển các lĩnh vực ưu tiên trong nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam để đưa Việt Nam tiệm cận với trình độ ở khu vực và quốc tế.

Về vấn đề nghiên cứu khoa học giáo dục và giảng dạy sinh học ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giảng viên cao cấp Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học sinh học, cho biết: “Giáo viên sinh học trước hết phải là một nhà giáo dục sinh học (chứ không phải thợ dạy), giúp học trò hiểu kiến thức sinh học liên quan gì tới thực tiễn; nhìn thấy năng lực của học trò và truyền cảm hứng, thúc đẩy học trò… Ngoài ra, giáo viên cần có tri thức về công nghệ, sử dụng công nghệ thông minh trong giảng dạy, đặc biệt là dạy học tích hợp là xu thế không thể tránh khỏi, do đó cần ứng dụng STEM trong thí nghiệm…”

PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – cho rằng: người giáo viên nói chung và giáo viên dạy môn sinh học nói riêng cần hướng đến dạy cho học trò cách tiếp nhận và xử lý thông tin mình thu nhận được trong quá trình học tập.

Theo kế hoạch, trong 2 ngày diễn ra hội nghị, ngày 27/8, các đại biểu sẽ báo cáo tại 3 tiểu ban về Nghiên cứu cơ bản trong sinh học; Nghiên cứu ứng dụng sinh học phục vụ đời sống và phát triển xã hội; Nghiên cứu khoa học giáo dục và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam. Chiều cùng ngày sẽ là buổi Demo công nghệ thụ tinh kính hiển vi và chuyển lấy nhân tế bào.

Ngày 28/8, các đại biểu sẽ có buổi tham quan khoa học sau hội nghị tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM; Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và Nông trại bò chuyển phôi nhân bản và bò nhân bản tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm vào cuối Hội nghị