Trường Đại học Quốc Tế tổ chức Hội thảo Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục

Sáng 8.11.2017, hội thảo Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và Giáo dục được trường ĐHQT tổ chức thành công với phần trình bày của PGS.TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường.

Hội thảo đã thu hút được các thầy cô trong và ngoài ĐHQG-HCM đến tham dự và trao đổi. Ngoài những thông tin cơ bản giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như lịch sử hình thành, những khái niệm, những cột mốc liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp, PGS.TS. Hồ Thanh Phong còn chia sẻ những tác động trực tiếp của cuộc cách mạng sẽ làm biến đổi các lĩnh vực trong tất cả các ngành công nghiệp. Theo nội dung trình bày, du lịch thông minh với nền kinh tế chia sẻ đã góp phần tạo nên nền du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, thành phố thông minh với hệ thống giao thông thông minh, y tế thông minh, và giáo dục thông minh hiện nay và trong tương lai. Bằng những ví dụ hết sức cụ thể, diễn giả đã giúp người nghe hiểu hơn về cuộc cách mạng công nghiệp đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Trong bài chia sẻ của mình, Thầy đã tập trung thời gian để trình bày những nội dung về giáo dục trong CMCN 4.0 khi ở đó con người, máy móc, thiết bị, công việc được kết nối mọi nơi để tạo ra nền Giáo dục thiên về đào tạo cá nhân hóa. Trong khái niệm mới này, theo Thầy, trường học – con người – chương trình – phương tiện truyền thông được chuyển đổi thành đối tượng thông minh hơn, đặt trong một Hệ sinh thái sáng tạo và khởi nghiệp. Thầy nhấn mạnh trọng tâm của nền giáo dục 4.0 phải là sự sáng tạo và kiến tạo giá trị, chương trình đào tạo phải “biến ngành”, việc giảng dạy lúc này sẽ trở nên không còn giới hạn và sản phẩm của nền giáo dục lúc này phải tạo ra các nhà sáng tạo và người khởi nghiệp. Và trong nền giáo dục 4.0, trí tuệ cảm xúc (EQ) trở thành một trong những kĩ năng yêu cầu quan trọng những người trẻ cần có. Thầy cũng đưa ra 5 hành động cần thiết hỗ trợ cho sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học với nền cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm: thúc đẩy sinh viên sáng tạo và khởi nghiệp; khuyến khích giảng viên sáng tạo và khởi nghiệp; tích cực hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ của đại học; điều phối và chủ động trong hợp tác đại học – công nghiệp; gắn bó, cam kết hỗ trợ cho địa phương.

Trong nội dung trình bày của mình, PGS.TS. Hồ Thanh Phong đã đưa ra mục tiêu của trường ĐHQT trong thời gian tới là nỗ lực để xây dựng một trường đại học thông minh với chương trình và phương cách đào tạo linh hoạt, kết nối toàn diện con người, phương tiện, thiết bị, phần mềm…, tăng cường tối đa các loại dịch vụ, hệ thống quản lý chắc chắn hơn sửa chữa, giảng viên tích cực nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sáng tạo, khởi nghiệp, và sinh viên tham gia khởi nghiệp. Trong đó, Thầy nhấn mạnh rằng dù cho biến chuyển như thế nào, đổi mới cho phù hợp với thời đại công nghiệp ra sao thì bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào cũng phải giữ lại cốt lõi giá trị của mình. Như vậy, với giáo dục đại học, dù là giáo dục 4.0 thì trường đại học vẫn cần giữ được giá trị đào tạo, sự sáng tạo, sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội…
Trong buổi hội thảo, trường ĐHQT cũng giới thiệu đến người tham dự chiếc máy in 3D do chính trường ĐHQT nghiên cứu và thực hiện. Người tham gia hội thảo rất thích thú với những sản phẩm in 3D từ chiếc máy in này.

PGS.TS. Hồ Thanh Phong là diễn giả trình bày chính tại hội thảo Cách Mạng Công nghiệp 4.0 và Giáo dục

PGS.TS. Trần Mạnh Hà – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin trường ĐHQT – trao đổi cùng diễn giả của hội thảo

PGS.TS. Hồ Thanh Phong giới thiệu về chiếc máy in 3D do trường ĐHQT chế tạo

Những sản phẩm của máy in 3D “made in IU” được người tham gia hội thảo thích thú xem