TỪ NỮ SINH ĐAM MÊ SINH HỌC ĐẾN NHÀ KHOA HỌC XUẤT SẮC CỦA VIỆT NAM
Là một trong ba nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2023 được vinh danh, nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài luôn nói bản thân chỉ như hạt cát bé nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài sinh năm 1981, hiện đảm nhận vị trí Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chị đã thể hiện đam mê với bộ môn Sinh học nói riêng và lĩnh vực y học nói chung. Cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) từng được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic Sinh học quốc tế. Khi ấy, may mắn không mỉm cười, chị ngậm ngùi nhận thất bại tại đấu trường này.
Ngọn lửa đêm mê với khoa học không vì thế mà bị dập tắt, cộng thêm những thành tích nổi bật từ bậc phổ thông đã giúp Thu Hoài được tuyển vào chương trình cử nhân khoa học tài năng của trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành Hóa sinh.
Những năm đầu đại học, cô sinh viên Thu Hoài từng bị “sốc” vì luôn cảm thấy bản thân không đủ thông minh bằng các bạn đồng trang lứa. Thế rồi những khó khăn và thất bại dần trở thành động lực khiến chị quyết tâm hơn, chấp nhận nhược điểm, phát triển ưu điểm của bản thân.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Thu Hoài sang Đức để theo đuổi học vị tiến sĩ tại Đại học Greifswald. Sau đó, chị tiếp tục đi nhiều nơi như Viện Sức khỏe quốc gia Đài Loan, Viện nghiên cứu thuốc Louvain (Vương quốc Bỉ), Viện Sức khỏe Mỹ, Đại học Quốc gia Singapore… tham gia nhiều cuộc hội thảo, gặp gỡ với các nhà khoa học trong nước và quốc tế để học tập, nghiên cứu và cập nhật tri thức, kỹ năng.
Sở hữu tấm bằng tiến sĩ danh giá ở tuổi 27 tuổi chính là nền tảng mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu và phát triển cho chị ở nước ngoài. Tuy nhiên người phụ nữ này chưa từng nghĩ tới việc ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác mà luôn muốn trở về Việt Nam để làm việc và cống hiến cho quê hương.
Đồng thời, chị cũng nhận thấy kháng kháng sinh là vấn đề y tế nghiêm trọng, tác động lớn đến hiệu quả điều trị và tỷ lệ sống sót, làm gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, gánh nặng xã hội. Đặc biệt ở thời điểm ấy, Việt Nam ít công trình nghiên cứu về vấn đề này. Đó cũng là lý do chị Hoài quyết định về nước và chọn hướng nghiên cứu các giải pháp giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh và tăng hiệu quả điều trị.
Nữ nhà khoa học này xác định, việc nghiên cứu hướng đến phát triển các xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gene kháng kháng sinh. Từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho các y, bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc và gợi ý sử dụng thuốc phù hợp, điều trị nhanh khỏi cho các bệnh nhân.
Sau nhiều năm miệt mài, đề án nghiên cứu này cũng giúp chị trở thành một trong ba nhà khoa học nữ được trao giải Nhà khoa học nữ xuất sắc của L’Oréal – UNESCO – Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.
Hiện PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài là tác giả và đồng tác giả của 3 chương sách và 72 bài báo, trong đó có 25 bài báo ISI/Scopus trong lĩnh vực nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc.
Dù sở hữu thành tích đáng nể, nhưng nữ phó giáo sư luôn cảm thấy mình chỉ như hạt cát bé nhỏ. Chị quan niệm, chuyển hóa các nghiên cứu vào thực tiễn thôi chưa đủ, bản thân cũng luôn phải là phần tử hữu ích cho cộng đồng, thông qua hoạt động giáo dục, đào tạo.
“Các giải thưởng nhận được trong sự nghiệp làm tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với các nghiên cứu, cũng như nỗ lực đưa kết quả vào thực tiễn. Đồng thời giúp tôi có thêm niềm tin, đóng góp hơn nữa cho cộng đồng”, PGS TS Nguyễn Thị Thu Hoài bày tỏ.
Là phụ nữ làm nghiên cứu khoa học và cũng là nhà giáo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài nhận thấy bản thân may mắn khi có gia đình luôn bên cạnh ủng hộ. Theo chị, trong nghiên khoa học, vị thế và vai trò của nữ trí thức đã được khẳng định. Phụ nữ hoàn toàn có thể được đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong các ngành khoa học định hình thế giới của tương lai.
“Tôi cho rằng, nam hay nữ đều có những tài năng, ưu thế riêng. Người Việt, đặc biệt phụ nữ Việt, rất dẻo dai, bền bỉ, cần cù, sáng tạo, không ngại khó. Đó là những nền tảng để đi trên con đường khoa học đầy chông gai, có thể 1.000 nghiên cứu mới có một công trình đến được thực tiễn. Chỉ cần phát triển đúng thế mạnh của bản thân, nhất định sẽ có những đóng góp hữu ích và tỏa sáng theo cách của riêng mình”, nữ PGS nói.
Những đóng góp của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài trong lĩnh vực khoa học đã góp phần khẳng định năng lực, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ phụ nữ tiếp theo trên con đường đầy chông gai nhưng cũng hết sức tự hào này.