TẠO ĐỘNG LỰC CHO SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP

TẠO ĐỘNG LỰC CHO SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP

Các thành viên nhóm PEPPER REVOLUTION với sản phẩm của mình.

NDO – Không còn là những ý tưởng trên giấy rồi cất tủ, ngày càng nhiều sinh viên (SV) mạnh dạn triển khai các mô hình khởi nghiệp ngay khi còn học ở giảng đường. Từ đây, không ít bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, có nhiều đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng.

1/ Gần ba năm trước, khi thấy nhiều hộ nông dân tại Tây Nguyên lao đao vì giá hồ tiêu xuống thấp, Châu Vi Lâm, Trưởng nhóm Pepper Revolution (Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng bốn thành viên khác quyết định bắt tay vào việc nghiên cứu giải pháp đa dạng hóa đầu ra dựa trên những sản phẩm có giá trị cao cho loại nông sản từng được mệnh danh là “vàng đen” của nông nghiệp Việt Nam. Nhóm chọn các phần không dùng đến của cây tiêu gồm tiêu lép, vỏ tiêu và lá tạo thành chế phẩm nano tinh dầu hồ tiêu giúp phòng trừ và tiêu diệt sâu bọ cho cây trồng theo chuẩn nông nghiệp “xanh”. Còn với tinh chất piperine thu được từ sọ tiêu, nhóm kết hợp với hoạt chất curcumin trong củ nghệ để tạo thành viên nang giúp tăng khả năng hấp thu các dược liệu khác cho cơ thể người dùng.

Đều là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Lâm và các bạn có nhiều cơ hội nghiên cứu, thực hành với máy móc trong phòng thí nghiệm hiện đại, thử sai sản phẩm, nghe giảng viên tư vấn để vạch ra kế hoạch cụ thể, từng bước hiện thực hóa các ý tưởng. Nhờ kinh nghiệm có được từ một số dự án đã tham gia và tích cực góp mặt trong nhiều cuộc thi khởi nghiệp dành cho giới trẻ, Pepper Revolution đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho quá trình nghiên cứu, thử sai. Hiện, nhóm đã nhận được khoản hỗ trợ 1,5 tỷ đồng từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để thực hiện quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

“Nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều thông số đầu ra khác nhau bởi vì muốn đưa một sản phẩm ứng dụng trên sức khỏe của con người cạnh tranh trên thị trường thì cần rất nhiều yếu tố. Theo đó, sản phẩm hiệu quả thôi chưa đủ mà còn phải bảo đảm an toàn, chất lượng ổn định theo thời gian và thân thiện với môi trường”, Lâm cho biết thêm.

Cách đây không lâu, ELLA, ứng dụng thông minh hướng dẫn trang điểm được xây dựng dựa trên cấu trúc khuôn mặt người dùng đã vượt qua gần 400 dự án trên toàn quốc, đoạt giải nhất trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ IV” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. ELLA được tạo nên từ bốn công nghệ chính: nhận diện khuôn mặt, thực tế ảo tăng cường, theo dõi khuôn mặt và công nghệ cốt lõi. Thông qua việc tích hợp các công nghệ hiện đại và tạo nên giao diện thân thiện, dễ tương tác, ứng dụng này nhanh chóng quét và lưu dữ liệu về khuôn mặt người dùng rồi hiện ra các mũi tên định hướng mô tả các bước làm đẹp phù hợp. Ngoài các dịch vụ cơ bản, thời gian tới, dự kiến ELLA còn phát triển thêm hai dịch vụ chính là kết nối các trung tâm dạy trang điểm để tạo ra khóa học trực tuyến và dịch vụ trang điểm theo nhu cầu.

2/ Pepper Revolution và ELLA là hai trong số 10 dự án nổi bật được trình bày ý tưởng tại “Ngày hội Đổi mới sáng tạo và Kết nối dự án khởi nghiệp – IU Innovation Story Day 2022” do Trường đại học Quốc tế, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức. Các dự án khởi nghiệp được chọn chia sẻ lần này đa phần xuất phát từ nhu cầu thực tế với mục tiêu tăng tính tiện ích cho cuộc sống, tăng tương tác trong cộng đồng như ứng dụng đọc giáo trình có bản quyền cho sinh viên; ứng dụng kết nối các trạm xe bus bằng xe đạp công nghệ; bảo đảm nguồn nước sạch bằng công nghệ mới; thiết bị nâng, di chuyển bệnh nhân bằng điện; ứng dụng chẩn đoán bệnh ngoài da… Đến với ngày hội, bạn trẻ còn được tham quan, trải nghiệm tại các gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên và cựu sinh viên nhà trường, tham gia các mini-workshop tương tác và hội thảo truyền cảm hứng khởi nghiệp.

Theo TS Trần Thị Ngọc Diệp, Trưởng Trung tâm Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Trường đại học Quốc tế, không đơn thuần là ngày hội, sự kiện lần này đã tạo được môi trường và không gian để bạn trẻ quảng bá các dự án đang được nhà trường ươm tạo. Cùng với đó là các dự án khởi nghiệp thành công của cựu sinh viên và các đề tài nghiên cứu tiêu biểu của giảng viên, sinh viên trong trường. Mục đích cuối cùng nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với cựu sinh viên, sinh viên và các doanh nghiệp đối tác, từ đó hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mang bản sắc riêng.

Bài và ảnh: MỸ DUNG

Link bào báo: https://nhandan.vn/tao-dong-luc-cho-sinh-vien-khoi-nghiep-post721521.html