TRƯỜNG ĐHQT TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ QUỐC TẾ SINH HỌC HỆ GEN VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT
Ngày 20/10 vừa qua, Hội nghị Quốc tế về Sinh học Hệ Gen Việt Nam 2023 (VCIGB 2023) đã diễn ra thành công tại trường Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM. Lần đầu tiên tổ chức, Hội nghị đã trở thành diễn đàn để các chuyên gia về Sinh học Hệ Gen trong và ngoài nước có cơ hội chia sẻ các công trình nghiên cứu và trao đổi các kiến thức mới trong lĩnh vực này.
Hội nghị tập trung xoay quanh chủ đề Genome and Big Data Analysis: Current Status and Future Directions (tạm dịch: Hệ Gen và Phân tích Dữ liệu lớn: Bối cảnh hiện tại và Định hướng trong tương lai) và được chia làm 3 phần chính bao gồm: Medicine, Agriculture, và Omics study & Big Data analysis (tạm dịch: Y học Hệ Gen, Nông nghiệp, và Nhóm ngành nghiên cứu Omics và phân tích Dữ liệu lớn). Được biết, dù mới chỉ là năm đầu tiên tổ chức, nhưng Ban tổ chức (BTC) đã nhận về hơn 30 công trình nghiên cứu từ các học giả trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị lần này.
Hội nghị Quốc tế về Sinh học Hệ Gen Việt Nam 2023 thu hút nhiều chuyên gia trong ngành và các bạn sinh viên đến tham dự.
PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐHQT – cho biết: “Ban Tổ chức Hội nghị, Ban lãnh đạo trường ĐHQT và Trung tâm nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (RCID) rất vinh hạnh khi được chào đón các khách mời đồng thời là các học giả đầu ngành lĩnh vực Sinh học Hệ Gen tại Việt Nam đến tham gia hội nghị. Chúng tôi móng muốn sẽ trở thành cầu nối để các nhà nghiên cứu có thể tự do chia sẻ và bàn luận các chủ đề mới, từ đó thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho xã hội những tri thức và công nghệ mới trong lĩnh vực Sinh học Hệ Gen”.
PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường ĐHQT- phát biểu khai mạc Hội nghị.
PGS.TS. Nguyễn Phương Thảo – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm – phát biểu chào mừng các học giả tham gia Hội nghị.
GS. TS. Phan Tuấn Nghĩa – giảng viên cao cấp Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội – đến dự và chia sẻ sứ mệnh và mục đích của Hội nghị.
Đặc biệt, sự kiện còn ghi nhận sự đồng hành từ các nhà tài trợ như Quỹ VinIF, DKSH Việt Nam, Công ty GeneSmart, BCE Việt Nam, Công ty TNHH Thiết bị khoa học và Công nghệ Qmedic, Công ty TNHH Khoa học Hợp nhất (United Scientific), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật Việt Nguyễn, PHÙ SA Genomics, Công ty Cổ phần Kỹ Thuật và Sinh Học Ứng Dụng Việt Nam, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Sự Sống (Life Sciences), và Công ty TNHH Thiết bị Khoa học Kỹ thuật Lan Oanh, Công ty TNHH Dịch Vụ Và Thương Mại Nam Khoa.
PGS. TS. Đinh Đức Anh Vũ và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm – trao tặng hoa đến các nhà tài trợ.
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, một trong ba diễn giả chính tại hội nghị, TS. Michael Otto – Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) – mang đến nội dung thuyết trình “Integrating omics into functional molecular investigation: Examples from staphylococcal and streptococcal infectious diseases research” (tạm dịch: Tích hợp khoa học Omics trong nghiên cứu chức năng phân tử: Dẫn chứng từ các nghiên cứu liên quan đến bệnh truyền nhiễm do tụ cầu và liên cầu gây nên). Cụ thể, TS. Otto, thông qua tổng hợp kết quả từ ba dự án trước đó về bệnh truyền nhiễm, đã chỉ ra vai trò quan trọng của việc tích hợp phân tích các phân tử bằng khoa học Omics nhằm giải mã các chức năng phân tử chưa từng được khám phá trong hệ vi sinh vật và hệ gen của cơ thể người, trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm.
TS. Michael Otto – Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) – thuyết trình về “Integrating omics into functional molecular investigation: Examples from staphylococcal and streptococcal infectious diseases research”.
Thông qua kết nối trực tuyến, GS. Jaime Martinez Urtaza – Bộ môn Di truyền học và Vi sinh học, Hệ Gen học, Universitat Autònoma de Barcelona (Tây Ban Nha) – trình bày phương pháp xác định tác nhân gây bệnh thông qua giải trình tự gen.
GS. Jaime Martinez Urtaza – Bộ môn Di truyền học và Vi sinh học, Hệ Gen học, Universitat Autònoma de Barcelona (Tây Ban Nha) – thuyết trình về phương pháp xác định tác nhân gây bệnh thông qua giải trình tự gen.
Đặc biệt, trong Hội nghị, GS. Nông Văn Hải – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – chia sẻ về thực trạng các nghiên cứu hệ gen hiện nay tại Việt Nam. Trong nội dung thuyết trình của mình, GS. Nông Văn Hải tường thuật nhiều cột mốc quan trọng trong hành trình nghiên cứu hệ gen người Việt từ công trình ghi lại 10 chuỗi ADN ty thể đầu tiên của 10 người Việt đến từ 3 dân tộc Kinh, Tày, và Mường đến việc hoàn thiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt” với 1000 hệ gen người Việt được giải trình tự bởi Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup. “Tuy vậy, do thiếu nguồn lực, các nghiên cứu hệ gen tại Việt Nam vẫn cần thêm nhiều hợp tác trong nước và quốc tế để có thể phát triển hơn nữa trong tương lai” – GS Hải nhấn mạnh.
GS. Nông Văn Hải – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – nhận bó hoa tươi thắm từ PGS.TS. Nguyễn Phương Thảo – đại diện BTC Hội nghị.
Khách mời và các bạn sinh viên tham quan gian trưng bày sản phẩm của nhãn hàng tài trợ.
Kết thúc sự kiện là phiên thảo luận nhóm từ Hội đồng các nhà khoa học và BTC Hội nghị về những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực Sinh học Hệ Gen tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay.
Phiên thảo luận nhóm của Hội nghị với sự góp mặt của các diễn giả chính và đại diện các thành viên BTC.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài trao tặng hoa và thư cảm ơn đến chủ tịch các hội đồng và thành viên BTC Hội nghị.
Hội nghị hứa hẹn sẽ quay lại vào năm 2025 cùng nhiều điều đáng mong chờ hơn nữa trong tương lai.