TS. NGUYỄN HOÀI NGHĨA: “NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG GIÚP BẢN THÂN VÀ ĐẤT NƯỚC GIÀU MẠNH HƠN”
Từng thi đậu 3 trường đại học và tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, đi làm gần 10 năm nhưng TS. Nguyễn Hoài Nghĩa đã có lối rẽ bất ngờ vào nghề giáo. Ông hiện là Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Xây dựng của Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông đã có những chia sẻ thiết thực về chọn ngành, chọn nghề sao cho phù hợp với thí sinh trong mùa tuyển sinh hiện nay.
Duyên với ngành Kỹ thuật xây dựng và nghề giáo
Xin chào TS. Nguyễn Hoài Nghĩa, cơ duyên nào đưa ông đến với ngành Kỹ thuật xây dựng hiện tại?
TS. Nguyễn Hoài Nghĩa: Vào thời điểm khi tôi vừa học xong lớp 12, chúng tôi khác với các bạn thế hệ gen Z hiện nay khi được thi Đại học đến 3 đợt. Cũng năm đó, tôi may mắn đậu hẳn 3 trường: Trường Đại học Kỹ thuật (nay là Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Kinh tế, và Trường Đại học Luật TP.HCM. Ngay lúc đó, tôi cũng băn khoăn vì chưa biết mình hợp với ngành nào. Nhưng sau đó, tôi đã mạnh dạn chọn học ngành Kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Kỹ thuật. Lý do chắc vì thời điểm đó, tôi nghe nói nếu tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng đi làm thầu xây dựng sẽ trở nên giàu lắm; nếu chọn học ở Trường Đại học Kỹ thuật thì cũng thuộc tốp “xịn xò” trong đám bạn. Tuổi trẻ, nghe thế nên tôi quyết định làm hồ sơ nhập học Trường Đại học Kỹ thuật và sau 4,5 năm thì tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng ở đây.
Sau khi ra trường và đi làm được gần 10 năm thì tôi lại rẽ hướng theo nghề dạy học cho tới tận bây giờ. Lý do vì tôi nhận ra có quá nhiều điều mà mình chưa được học hoặc có một số nội dung khác biệt với những gì đã học ở bậc đại học nên tôi muốn được học lên cao, tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu hơn về nghề và từ đó có thể chia sẻ những hiểu biết đó của mình cho thế hệ sau tôi. Nghĩ như vậy nên tôi quyết định đi học sau đại học và cũng quyết tâm sẽ đi dạy để chia sẻ kiến thức và một chút nào đó, tôi muốn mình khơi lên ngọn lửa yêu nghề của các em sinh viên.
Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm vui buồn, ấn tượng ở lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng và nghề giáo mình đang theo đuổi?
Trong suốt quá trình hơn 20 năm, tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn trên con đường mình đi. Những kỷ niệm vui thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất chính là cảm giác hạnh phúc khi chứng kiến sự thành đạt trong công việc, trên con đường học vấn sau khi tốt nghiệp của các sinh viên do chính mình đào tạo. Không chỉ vậy, kỷ niệm vui của tôi thời đi làm nghề đó chính là tận mắt nhìn thấy các công trình xây dựng có sự tham gia của mình hoàn thành với chất lượng tốt, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những nụ cười thì cũng không thiếu những giọt nước mắt, tôi cũng có những kỷ niệm buồn. Tuy nhiên, tôi thật sự cảm ơn cuộc đời vì năm 18 tuổi đã chọn ngành Kỹ thuật xây dựng. Trong 20 năm qua, tôi giật mình khi quan sát thấy sự phát triển nhanh chóng của đất nước, trong đó sự đóng góp của ngành xây dựng là cực kỳ to lớn. Chúng ta không thể phủ nhận rằng, để có sự phát triển bền bỉ suốt 20 năm qua, ngành xây dựng Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc từ kỹ thuật công nghệ lẫn con người. Từ tòa nhà Saigon Trade Center 33 tầng trên đường Tôn Đức Thắng được xây dựng cách đây khoảng 30 năm cho đến tòa nhà Landmark 81 cao 81 tầng được khánh thành năm 2018 là cả một hành trình gian lao, nỗ lực liên tục của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam khi chọn cùng bắt tay với các chuyên gia đến từ các Viện, các trường Đại học và các chuyên gia nước ngoài.
Các công nghệ mới tiên tiến trên thế giới đã được đội ngũ kỹ sư trong nước tiếp thu và áp dụng thành công ở nhiều công trình khác nhau. Đội ngũ chuyên gia xây dựng Việt Nam cũng trở nên tự tin, bản lĩnh hơn khi làm việc với các chuyên gia các nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, các trường đại học có đào tạo ngành xây dựng cũng đã có những bước chuyển mình, cập nhật nội dung, chương trình đào tạo theo xu thế phát triển của xã hội và của thế giới. Như ở Khoa Kỹ thuật và Quản lý xây dựng của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) – nơi tôi đang công tác và quản lý, chúng tôi đã kịp thời bổ sung các môn học như BIM (mô hình thông tin công trình), machine learning (học máy), xây dựng công trình xanh và bền vững… Các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học của chúng tôi với nền tảng kiến thức vững chắc, khả năng ngoại ngữ linh hoạt cũng trở nên năng động và dễ dàng hòa nhập hơn với công việc khi ra ngoài thị trường làm việc cũng như dễ dàng nhận được các học bổng giá trị để theo học bậc học cao hơn ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Và tôi tin, hành trình này sẽ còn tiếp tục nở nhiều hoa trái.
“Nhận thấy mình trở thành người có ích”
TS. Nguyễn Hoài Nghĩa (bìa phải) cùng các đại biểu dự một hội nghị khoa học tại Thái Lan.
Hơn 20 năm qua, ông đã có những đóng góp gì trong các lĩnh vực mà mình tham gia?
Tôi đã tham gia góp sức ở một số dự án xây dựng khác nhau trong hành trình hơn 20 năm làm nghề của mình, có thể kể đến những dự án lớn như Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), đường dây 500kV Phú Mỹ – Nhà Bè – Phú Lâm, một số dự án cao ốc ở khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM),… Khi rẽ hướng sang nghiên cứu và giảng dạy, tôi cùng đồng nghiệp giỏi ở Khoa đào tạo được rất nhiều kỹ sư, thạc sĩ ngành xây dựng.
Trong thời gian qua, tôi cũng công bố nhiều nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực quản lý xây dựng như quản lý chi phí, quản lý chất lượng, quản lý năng suất lao động, xây dựng mô hình mô phỏng thị trường bất động sản Việt Nam… trên những tạp chí trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, thú thật, bản thân tôi cảm thấy chưa thỏa mãn với tất cả những gì mình đã làm và đã có. Tôi luôn mong ước mình có thể tiếp tục hoàn thiện các hướng nghiên cứu, đặc biệt là có thể tập trung sức lực để hoàn thiện các mô hình mô phỏng thị trường bất động sản hoặc hoạt động cải tiến năng suất của các doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng các công nghệ mới như BIM, VA, và tích hợp Machine Learning trong các nghiên cứu sắp tới của mình để bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới.
So với lúc mới tốt nghiệp đại học, định hướng phát triển nghề nghiệp của ông hiện tại thì thế nào?
Lúc mới tốt nghiệp đại học, tôi có dự định mình sẽ làm việc vài năm và thành lập công ty xây dựng riêng. Tuy nhiên, hiện nay, sau 20 năm thì định hướng của tôi đã khác đi. Tôi vẫn hy vọng mình tiếp tục công việc giảng dạy hiện nay và nghiên cứu chuyên sâu thêm. Tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc khi được cống hiến sức lực và trí lực cho giáo dục và khoa học. Có thể, công việc hiện tại không giúp tôi giàu có hay trông thật “ngầu” như trong trí tưởng tượng của tôi năm 18 tuổi khi quyết định chọn theo học Kỹ thuật xây dựng song tôi thấy mình trở thành người có ích.
Tôi thật lòng tâm niệm, dù định hướng hiện tại có khác biệt so với định hướng trước đây, nhưng ít nhất, bây giờ, tôi vẫn đang chung tay cùng đồng nghiệp của mình tại Khoa Kỹ thuật và Quản lý Xây dựng của trường Đại học Quốc tế tiếp tục đóng góp cho ngành xây dựng Việt Nam nói riêng và cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Việt Nam tươi đẹp nói chung. Qua quá trình làm việc, tôi đã thấm thía và nhận ra rằng nếu chúng ta yêu thích công việc mình đang làm thì công việc sẽ suôn sẻ, thuận lợi, và dĩ nhiên từ đó sẽ đơm hoa, kết trái. Tôi cũng luôn nhắc nhở các sinh viên của mình rằng, “Hãy yêu công việc mình đang làm, thành công sẽ đến với các bạn”.
TS. Nguyễn Hoài Nghĩa cùng người thân trong ngày vui nhận bằng Tiến sĩ.
“Khi chọn ngành hãy thật tỉnh táo để lắng nghe bản thân”
Mặc dù được trang bị thông tin về hướng nghiệp tuyển sinh rất nhiều, nhưng hiện vẫn còn không ít trường hợp các em vào học đại học một thời gian thì phát hiện ra mình chọn nhầm ngành, không phù hợp với bản thân… Từ kinh nghiệm của mình, ông có thể chia sẻ một vài lưu ý về chọn ngành, chọn nghề cho các em học sinh?
Tôi đã tham gia nhiều buổi tư vấn tuyển sinh và nhận thấy ý kiến trên là đúng. Các bạn học sinh THPT hiện giờ được cung cấp rất nhiều thông tin hướng nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 10% các bạn học đại học một thời gian lại phát hiện ngành đang theo học không phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Tôi nghĩ, phần đông các bạn này chọn học ngành chỉ theo phong trào, số đông. Khi bạn học ngành khác với ngành thật sự mong muốn sẽ dẫn đến tâm lý chán nản. Chán nản một tháng, một năm và có khi, sự chán nản đó khiến bạn bỏ dở việc học của mình.
Với kinh nghiệm đã tư vấn cho nhiều bạn bị rơi vào trường hợp này, tôi thấy các bạn thí sinh khi chọn ngành hãy thật tỉnh táo để lắng nghe đúng khả năng và nguyện vọng của chính mình. Ông bà ta thường nói “thứ nhất tậu trâu, thứ nhì cưới vợ”, tôi xin phép được chia sẻ đôi điều để lưu ý các bạn học sinh khi chọn ngành, chọn nghề. Đầu tiên, quan trọng nhất, các bạn cần chọn ngành phù hợp với tính cách, sở thích bản thân (có nhiều công cụ hỗ trợ để các bạn chọn được khuynh hướng nghề nghiệp của mình). Điều thứ hai, các bạn hãy chọn cho mình ngôi trường phù hợp với năng lực của bản thân và khả năng tài chính của gia đình. Thứ ba, sau khi đã chọn, đã thi, đã đậu, đã nộp hồ sơ và nhập học thì phải nỗ lực để học tập và hoàn thành chương trình học. Trường hợp xấu hơn một chút, đã “lỡ chọn” ngành học theo học không phải nguyện vọng ưa thích, không “cam tâm”, vẫn muốn theo học ngành ưa thích thì có thể chọn học song ngành hoặc văn bằng hai ngành học mình ưa thích.
Hiện nay nhiều trường đại học cho phép học song ngành (như ở Trường ĐH Quốc tế). Việc này sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc của bản thân nhưng vẫn có thể học được ngành học yêu thích của mình. Tôi xin chúc các bạn học sinh nhiều sức khỏe, có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh năm nay và lựa chọn được ngành học, trường học phù hợp nhất với bản thân và gia đình.