MÀNG ĐÁY CỐC ỐNG TAI NHÂN TẠO VÀ THIẾT BỊ VI LỎNG HỖ TRỢ SINH SẢN CHIẾN THẮNG CUỘC THI BME INNOVATION 2024
Sau một khoảng thời gian tranh tài sôi nổi, hành trình BME INNOVATION đã chính thức khép lại đầy thành công với vô vàn cảm xúc không chỉ đối với các thầy cô, ban giám khảo; các bạn thí sinh tham dự mà còn với cả team BTC BMEIC chúng mình. Sau một hành trình miệt mài và cặm cụi thì tất cả những kết quả đó đều rất xứng đáng để tự hào đúng không nào?
BTC BMEIC24 xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến với các quý thầy cô, các vị BGK và đặc biệt là các nhà tài trợ đã đồng hành và hỗ trợ hết mình trong suốt cuộc thi. Cảm ơn các đội thi đã tham gia và cho chúng mình thấy được những sản phẩm vô cùng tuyệt vời của các bạn cùng với dáng vẻ nỗ lực không ngừng nghỉ và hoàn thành xuất sắc phần thi của đội.
Không để các bạn chờ đợi lâu hơn nữa, ngay bây giờ, chúng ta hãy cùng ngắm nhìn lại các đội thi đã xuất sắc giành được giải thưởng ở vòng Chung kết cũng như những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc thi vừa qua nhé !!!
Giải nhất Bảng Đại Học thuộc về đội SpermOne với đề tài “SpermOne – Microfluidics-based assisted reproductive technology”. Ý tưởng đề tài xoay quanh vấn đề sức khỏe toàn cầu là vô sinh, ảnh hưởng đến hàng triệu người trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới. Nổi bật trong xu hướng nghiên cứu mới nhằm giải quyết tình trạng vô sinh hiện nay, chip vi chọn lọc vi lỏng đặc biệt phù hợp ứng dụng lâm sàng trong chuẩn bị mẫu tinh trùng nhờ hiệu quả cao. Các phương pháp chọn lọc vi lỏng dựa trên khả năng di chuyển của tinh trùng, bơi xuôi dòng, ngược dòng, qua các kênh dài hoặc qua màng. Nhóm chúng tôi đã nghĩ ra chip SpermOne áp dụng kỹ thuật vi lỏng để đạt được mục tiêu chọn lọc tinh trùng có khả năng di chuyển tốt, độ bền tinh trùng cao và hiệu quả phục hồi. Chip SpermOne được sản xuất dựa trên cơ chế bơi của tinh trùng và bộ lọc vật lý để chọn hình dạng tinh trùng đồng thời khắc phục những nhược điểm của chip nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu được thực hiện với mong muốn ứng dụng các kỹ thuật y sinh vào sản phẩm lâm sàng nhằm giảm áp lực công việc cho các nhà phôi học, tránh sai sót hoặc hạn chế thất thoát mẫu tinh trùng của bệnh nhân, góp phần tiết kiệm chi phí và giảm áp lực kinh tế cho nhiều cặp vợ chồng.
Giải nhì Bảng Đại Học thuộc về đội 3DBP với đề tài “Hệ Thống Máy In 3D Sinh Học Ứng Dụng Trong Kỹ Thuật Mô & Y Học Tái Tạo”. Ý tưởng đề tài dựa trên việc chế tạo hệ thống in 3D sinh học dựa trên nguyên lí đùn, với khả năng tự phối trộn và tự cung cấp vật liệu – tập trung vào lĩnh vực tái tạo xương – sụn. Cung cấp khả năng in xương – sụn hiệu quả cùng khả năng in giàn giáo phục vụ cho nghiên cứu, giáo dục trong lĩnh vực vật liệu y sinh
Giải ba Bảng Đại Học gọi tên đội Stormy Petrels với đề tài “Preparation Of Protein Nanoparticles Made From Chicken Eggs Used To Reduce The Inflammation Of Ulcerative Colitis”. Viêm loét đại tràng là một tình trạng viêm mãn tính ở đại tràng do nhiều yếu tố gây ra và các phương pháp điều trị thông thường thường mang lại những tác dụng phụ đáng kể và không có tác dụng giảm đau kéo dài. Trong những năm gần đây, mối quan tâm đến các chất mang nano cho hệ thống phân phối thuốc và dược phẩm đã tăng lên, trong đó protein được công nhận là vật liệu lý tưởng do độc tính thấp, khả năng tương tác với dung môi và hoạt tính sinh học. Khi theo đuổi các giải pháp đổi mới để kiểm soát bệnh viêm loét đại tràng, một phương pháp độc đáo đã được nghiên cứu bằng cách khám phá tiềm năng điều trị của các hạt nano protein có nguồn gốc từ trứng gà – một nguyên liệu tự nhiên và tiết kiệm chi phí thông qua việc điều chế các hạt nano chuyên dụng với những ưu điểm độc đáo. Không chỉ là nguồn cung cấp giá trị dinh dưỡng thiết yếu, trứng còn chứa một số protein và peptide có đặc tính trị liệu, bao gồm các thành phần kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch (bao gồm lysozyme, avidin, ovalbumin và ovomucoid). Điều này cho thấy trứng có thể đóng vai trò là nguồn cung cấp các hoạt chất sinh học tự nhiên có giá trị cho các ứng dụng lâm sàng. Với những ưu điểm vượt trội như sử dụng thành phần tự nhiên (trứng gà tươi) và các chất hóa học dễ tiếp cận, nghiên cứu chế tạo hạt nano protein từ trứng gà nhằm giảm tình trạng viêm loét đại tràng được tiến hành với hứa hẹn mang lại kết quả ổn định, dễ thực hiện, có tính thương mại hóa cao như mong đợi.
Giải nhất Bảng THPT thuộc về đội p=Tnk với đề tài “NANOHEAR: Artificial Basilar Membrane For Sensorineural Hearing Loss”. Dự án sử dụng vật liệu nano tiên tiến để mô hình hóa các tế bào lông trong ốc tai một cách chính xác. Dự án này nhằm mục đích giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng suy giảm thính lực bằng cách tái tạo các cấu trúc phức tạp cần thiết cho cảm nhận âm thanh. Được sử dụng một cách chính xác, các vật liệu nano bắt chước chức năng tự nhiên của tế bào lông, mang đến một phương pháp đầy hứa hẹn cho việc phục hồi thính giác.
Giải nhì Bảng THPT gọi tên đội Neurones với đề tài “Thiết Bị Đeo Có Chức Năng Dự Báo Sớm Nguy Cơ Đột Quỵ”. Ý tưởng đề tài là chế tạo ra một loại chip sinh học (có khả năng thích ứng cao với cơ thể con người) có chức năng lưu trữ và xử lý thông tin để thay thế cho vùng não bị tổn thương do bị chèn ép bởi các mạch máu nhằm phục hồi khả năng chuyển động và trí nhớ của người sau khi bị đột quỵ.
Giải ba Bảng THPT thuộc về đội Cation với đề tài “Tái Tạo Vú Hậu Phẫu Thuật Cắt Bỏ Trong Điều Trị Ung Thư Vú Bằng Mô Hình Khung Sinh Học In 3D Từ Polylactic Acid (PLA) Và Gelatin”. Hiện nay, ung thư vú đang là một căn bệnh phổ biến ở phụ nữ trên thế giới, sau khi phải cắt bỏ tuyến vú, kéo theo nhiều hậu quả về mặt tinh thần như tự ti, trầm cảm. Vì thế nhu cầu tái tạo, phục hồi hình dạng vú hậu phẫu thuật ở phụ nữ là điều cấp thiết. Với mục đích tạo ra mô hình giàn giáo định hướng tái tạo mô vú cho bệnh nhân bằng cách kết hợp công nghệ in 3D với loại nhựa polylactic acid (PLA) có thể phân hủy sinh học, độ tương thích cao và bao bọc bởi gelatin giảm viêm. Mô hình bao gồm hai thành phần cấu trúc độc lập, bên ngoài cung cấp sự ổn định về cơ sinh học để giảm thiểu sự truyền tải đến mô mới hình thành trong khi cấu trúc bên trong cung cấp lỗ liên kết hoàn toàn để tạo điều kiện tái tạo mô.
Giải Nhà tài trợ Fujifilm Bảng Đại Học trao tặng đội BMIUT với đề tài “Applying Explainable AI to detect sEMG-based prosthetic hand for amputees in real-time movement”. Bằng cách tích hợp XAI vào việc điều khiển bàn tay giả bằng tín hiệu sEMG, chúng tôi có thể đạt được các giải pháp chân tay giả trực quan, hiệu quả và thân thiện với người dùng hơn. Tính minh bạch do XAI mang lại có thể thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và công nghệ, khiến tương lai của chân tay giả trở nên hứa hẹn hơn và dễ tiếp cận hơn đối với người cụt chi.
Giải Nhà tài trợ VT Healthcare Bảng THPT được trao cho đội LHP-CKMNT với đề tài “Hệ thống phần mềm chẩn đoán ung thư hắc tố da”. Ung thư hắc tố da là bệnh lý ác tính, thường tiến triển nhanh gây di căn sớm và nguy cơ tử vong cao. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ tăng hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng bệnh. “Hệ thống phần mềm chẩn đoán bệnh ung thư hắc tố da” được nhóm em nghiên cứu và chế tạo nhằm mục đích cảnh báo, tuyên truyền, phát hiện các biến đổi ác tính trên da và điều trị sớm tránh ung thư lan tràn.
Giải Nhà tài trợ VT Healthcare Bảng Đại Học trao cho đội Gagi Corp với đề tài “A Computer Vision-based Serious Game System for Training Squat Exercises Toward Smart Gym”. Ý tưởng dự thi xoay quanh việc phát triển một trò chơi nghiêm túc nhằm hướng dẫn tập luyện squat dựa trên các chuyển động cơ thể của người tập kết hợp với công nghệ computer vision. Trò chơi không chỉ kích thích sự hứng thú và kiên trì trong tập luyện, mà còn hỗ trợ xây dựng thói quen sống lành mạnh. Trò chơi còn có thể cung cấp lời khuyên về chế độ tập luyện, hướng dẫn các bước tập, và theo dõi tình trạng sức khỏe, giúp người tập cảm thấy hứng khởi và tận hưởng mỗi buổi tập.