DỰ ÁN KẾT NỐI CÁC TRẠM XE BUS BẰNG XE ĐẠP GIÀNH CHIẾN THẮNG CUỘC THI IU START UP DEMO DAY 2022
Vượt qua 7 đội thi xuất sắc khác, dự án kết nối các trạm xe bus bằng dịch vụ xe đạp với mong muốn giúp sinh viên cải thiện khoảng cách từ các trạm xe bus bằng xe đạp với một mức giá phù hợp mang tên 3B (Bicycle Between Bus) đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi IU Start Up Demo day năm 2022 do trường ĐHQT tổ chức.
Cuộc thi khởi nghiệp “IU Startup Demo Day” là cuộc thi định kỳ được tổ chức hằng năm của trường Đại học Quốc tế (ĐHQT)-ĐHQG HCM với mục tiêu chính nhằm kích thích tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần làm chủ, dám nghĩ dám làm của sinh viên, tạo cơ hội học hỏi kiến thức và trải nghiệm về kinh doanh, nâng cao những kỹ năng mềm phục vụ cho học tập và công việc của các em trong tương lai. Sau 2 tháng diễn ra, từ 20 dự án vòng Sơ khảo, Vòng Chung kết đã được tổ chức vào sáng ngày 15/5/2022 với phần thi của 8 đội xuất sắc nhất.
Trong buổi Khai mạc, TS. Hồ Nhựt Quang – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường ĐHQT – phát biểu: “Điểm khác biệt của các đội thi năm nay là có sự tham gia hướng dẫn của các giảng viên, thầy cô của trường ĐHQT, sau đó các em tiếp tục được kết nối với các hướng dẫn viên bên ngoài để bổ trợ kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp”.
Vượt qua vòng loại cam go, Top 8 đã hoàn thiện dự án thông qua sự hỗ trợ từ các tập huấn viên, các cố vấn – các chuyên gia, nhà sáng lập, giám đốc giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – để chuẩn bị cho Vòng Chung kết. Các buổi tập huấn các kỹ năng được tổ chức xuyên suốt cuộc thi, như việc xác định chân dung khách hàng, viết mô hình kinh doanh, nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch tài chính và kỹ năng thuyết phục về ý tưởng. Đây đều là những kỹ năng cơ bản và quan trọng với các dự án khởi nghiệp. Không chỉ riêng các dự án đoạt giải, top 8 dự thi qua các mùa đều được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều dự án đã đạt kết quả ấn tượng.
“Cuộc thi mang bản sắc rất đặc biệt của IU. Ngoài tính năng động, trẻ trung tính, IU còn đặc điểm nữa là khả năng hội nhập và mang các giá trị ngang tầm khu vực. Do vậy, các dự án xuất phát từ IU có thể cạnh tranh được với các dự án trong khu vực. Sau 4 năm thì đã đến thời điểm mình cần có một start-up thật sự từ trường chứ không chỉ dừng lại ở các cuộc thi” – nhận định từ ông Lê Nhật Quang, đại diện Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC).
Ngoài ra, một tin vui được hé lộ ngay trước khi vòng thi bắt đầu là Top 8 được xét thẳng vào top 25 cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp IEC”. Các đội thi được gửi đi Boot Camp tại một thành phố du lịch do các sản phẩm, ý tưởng từ sinh viên càng ngày càng chất lượng và có khả năng ra mắt thị trường. Đây chính là động lực đưa các dự án dự thi vào các trung tâm ươm tạo, vườn ươm và cũng thể hiện được vai trò của trường ĐHQT trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố cũng như của quốc gia.
Tại vòng chung kết, các đội đã trình bày theo thứ tự đã bốc thăm, tổng thời gian mỗi đội là 15 phút, trong đó thời gian trình bày là 5 phút, vấn đáp 10 phút (câu hỏi đầu tiên của phần vấn đáp sẽ từ 7 đội còn lại). Ban Giám khảo chấm điểm dựa trên các tiêu chí như Tính cần thiết, Sự khác biệt của Dự án, Kế hoạch Kinh doanh – Kế hoạch Tài chính, Tác động xã hội của dự án, Kỹ năng Trình bày và Kỹ năng phản biện để chọn ra những dự án xuất sắc nhất.
Sau một buổi sáng tranh tài, Dự án 3B (Bicycle Between Bus) – Dự án kết nối các trạm xe bus bằng dịch vụ xe đạp với mong muốn giúp sinh viên cải thiện khoảng cách từ các trạm xe bus bằng xe đạp với một mức giá phù hợp – đã xuất sắc đạt giải Quán quân với phần thưởng trị giá 28 triệu đồng. Bạn Nguyễn Phước Ngọc – Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, Trưởng nhóm – chia sẻ: “3B giúp bạn tránh khỏi việc đi bộ tốn thời gian hoặc phải nhờ sự giúp đỡ về phương tiện khác với mức giá tương đối cao bằng cách đưa ra 2 chiến lược phục vụ khách hàng bằng xe đạp: Di chuyển từ 1 địa điểm đến trạm xe bus/địa điểm khác; Kết nối giữa 2 tuyến xe bus với nhau”.
Giải Nhì cuộc thi thuộc về Dự án Pikabook – Đọc để kết nối, mang đến cho người đọc một ứng dụng đọc sách có khả năng kết nối và đọc giáo trình bản quyền. Bạn Nguyễn Cửu Phúc Anh – sinh viên Ngành Kiểm toán, Khoa Quản trị Kinh doanh, thành viên dự án – cho biết: “Thông qua Pikabook, người dùng có thể ghép nhóm đọc chung một cuốn sách, để lại chú thích và đặc biệt là tương tác với nhau qua phòng chat. Dự án đang ở giai đoạn khởi đầu, tập trung vào đối tượng người dùng là học viên tại các trường đại học có cùng khu vực sinh sống. Thời gian sắp tới, dự án mong muốn được tiến xa hơn nữa để có thể lan tỏa rộng rãi tính kết nối cũng như niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng”.
Dự án JAMCOP (làm mứt từ vỏ ca cao) giành giải Ba chung cuộc. Theo diễn giải của Bùi Thị Lan Anh – đại diện thành viên nhóm, trong ngành công nghiệp socola/cacao, vỏ quả cacao vốn chỉ được biết đến như một phụ phẩm bị bỏ phí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề xử lý rác thải, trong khi vỏ quả cacao rất giàu pectin-một thành phần phổ biến trong các sản phẩm mứt. Vì vậy, với mục tiêu giảm thiểu chất thải, góp phần bảo vệ môi trường, nhóm đã lên ý tưởng tạo ra sản phẩm mứt có tên gọi là “Mứt vỏ cacao (JAMCOP)”.
Ngoài ra, tất cả các dự án trong TOP 8 đều được hỗ trợ tham dự các cuộc thi khởi nghiệp khác nhau nhằm hoàn thiện sản phẩm, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và kết nối thị trường. Từ đó, tạo mối liên kết giữa cộng đồng doanh nhân với các ý tưởng khởi nghiệp.
Đồng hành cùng IU Startup Demo Day 2022 là Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo ĐHQG HCM (IEC), Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC), Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (AHBI) và Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC).
MỘT SỐ GIẢI THƯỞNG PHỤ
Dự án có tính ứng dụng cao: Dự án 3B Dự án có ý nghĩa và tác động xã hội nhất: SOF Dự án trình bày ấn tượng nhất: SOF Dự án được yêu thích nhất được bình chọn từ khán giả: Dự án Ổn App |